Ngôn ngữ

Video Bài 1

Bài 1

Có tin tức tốt lành cho chúng ta. Chúa hứa là Ngài sẽ yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Ngài ban chúng ta sự sống chẳng hề chấm dứt, giúp chúng ta tự do ra khỏi điều ác, và tận hưởng tình bạn thân thiết với Ngài, với điều kiện chúng ta yêu thương Ngài, tin cậy và vâng lời Ngài.

Bạn có tin vào điều này không? Bạn có hiểu là điều này có ý nghĩa thế nào với bạn?

Kinh Thánh có chép rằng chúng ta được sinh ra trên đời để yêu thương, vâng lời và tận hưởng tình yêu Chúa cho đến mãi mãi, nhưng chúng ta lại không thể làm được điều này.

Tại sao vậy?

Vì chúng ta sinh ra đã bị phân cách với Chúa, với hai lý do sau đây:

Thứ nhất, chúng ta không biết Chúa, và chúng ta không thể yêu thương người mà ta không biết.

Thứ hai, chúng ta sinh ra đã có sẵn ước muốn xấu xa trong lòng, điều này phân cách chúng ta khỏi sự sống của Chúa, khỏi tình yêu của Chúa và khỏi sự nhận biết Chúa. Ước muốn xấu xa của chúng ta là lý do khiến chúng ta phải chịu chết, bị bệnh tật, chịu nhiều điều bất công và cả chiến tranh – tất cả những điều này đều là sự khổ đau của cuộc đời.

Do đâu mà ước muốn xấu xa lại phân cách chúng ta khỏi Chúa?

Cốt lõi của điều ác là sự ích kỷ, và sự ích kỷ làm hại các mối quan hệ. Khi một người đàn ông gần gũi hơn với vợ mình, anh ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng lời nói, việc làm, và ý nghĩ của mình có thể làm tổn thương cô ấy đến mức độ nào. Mối quan hệ của chúng ta với Chúa cũng giống như vậy. Chúng ta càng gần gũi với Chúa, chúng ta càng hiểu rõ hơn rằng điều ác làm gãy mối quan hệ gần gũi với Ngài.

Chúa phản ứng ra sao khi thấy chúng ta bị phân cách khỏi Ngài?

Chúa đã chọn trở thành con người để phục hồi tình bạn hữu thân thiết với con người. Con người đó chính là Chúa Giê-xu.

Vì sao việc Chúa trở thành con người lại quan trọng như vậy?

Lý do thứ nhất là để xây dựng mối quan hệ cá nhân với chúng ta. Thứ nhì là để trải nghiệm niềm vui, sự đau đớn và nỗi thống khổ. Thứ ba, để chịu hình phạt cho mọi điều ác của chúng ta, bằng cách chết thay cho chúng ta. Và thứ tư, để Ngài sống lại và rửa sạch mọi điều ác của chúng ta, mang chúng ta đến với tình bạn hữu thân thiết với Ngài, đồng thời ban cho chúng ta sự sống không bao giờ chấm dứt.

Chúa Giê-xu chịu chết thay cho chúng ta một phần là để chứng minh rằng Đức Chúa Trời trừng phạt điều ác. Chúng ta đâu có muốn thấy một Thượng Đế làm ngơ và không trừng phạt kẻ làm ác. Chúa Giê-xu chịu chết là một sự kiện đảm bảo rằng Đức Chúa Trời sẽ không làm ngơ trước điều ác, vì Ngài đã chọn tự chịu hình phạt vì điều ác chúng ta đã phạm, dù Ngài không bao giờ làm điều gì sai trái.

Chúa có một mục đích lớn lao hơn, đó là giải cứu chúng ta khỏi mọi ước muốn xấu xa và biến đổi tấm lòng chúng ta, để chúng ta sống trong tình bạn hữu trong sáng với Ngài. Kinh Thánh gọi điều này là “tái sinh.” Có nghĩa là được biến đổi hoàn toàn, được sống tự do khỏi ách nô lệ của những ước muốn xấu xa, sống trong mối quan hệ gần gũi với Chúa.

Như vậy tin tức tốt lành không dừng lại chỉ ở sự kiện Chúa Giê-xu chịu thay hình phạt cho chúng ta.

Kinh Thánh có lời chép rằng sau khi chết, Chúa Giê-xu đã sống lại từ cõi chết và hiện Ngài vẫn đang sống. Ngài đã hoán đổi cuộc đời với chúng ta: đổi cuộc đời hoàn hảo của Ngài để cứu đời sống đổ nát của chúng ta. Khi chúng ta đón nhận món quà kỳ diệu này, Thánh Linh của Ngài bắt đầu sống bên trong chúng ta, và dần dần thay thế ước muốn xấu xa của chúng ta bằng một ước muốn khác ngày càng mạnh mẽ, tức là ước muốn được đến với sự thiện lành của Ngài.

Quá trình chúng ta được rửa sạch và làm cho hoàn thiện được gọi là sự nên thánh. Chúng ta không hoàn hảo đâu cho đến khi cuộc đời trên đất này kết thúc. Tuy nhiên, quá trình này cho chúng ta những kết quả thực tiễn ngay lập tức.

Kết quả ấy được gọi là bông trái Thánh Linh: yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, mềm mại, trung tín, và tiết chế. Nếu chúng ta là Cơ Đốc Nhân, chúng ta sẽ gia tăng các phẩm chất này. Nếu chúng ta không phải là Cơ Đốc Nhân, đã đến lúc chúng ta đầu phục Chúa và đến gần hơn với Ngài thông qua việc đọc Kinh Thánh, bỏ điều ác, cầu nguyện và thờ phượng Ngài.

Chúng ta không thể tự tạo ra bông trái Thánh Linh. Chỉ có Đức Thánh Linh mới có thể làm điều này khi chúng ta bày tỏ tình yêu thương dành cho Đấng Christ.

Kinh Thánh có chép rằng chúng ta cần vác thập tự giá và theo Chúa Giê-xu. Cụm từ này có ý nghĩa tượng trưng, nói về việc chết đi sự vị kỷ của chúng ta. Như Chúa Giê-xu đã vác thập tự giá của chính Ngài (một công cụ tra tấn!), và chết treo trên thập giá, về mặt nghĩa bóng chúng ta phải cũng phải như vậy, tức là phải chết đi bản chất vị kỷ của mình.

Tại sao điều này lại quan trọng? Vì ước muốn vị kỷ của chúng ta vốn dĩ kháng cự lại với ước muốn của Chúa. Chúa Giê-xu đòi hỏi sự hàng phục hoàn toàn và tin cậy hoàn toàn. Ngài yêu cầu chúng ta từ bỏ ước muốn vị kỷ và nhận lấy cho mình khao khát về Ngài. Nghĩa là bày tỏ yêu thương Ngài thông qua việc phục vụ Ngài và phục vụ dân sự Chúa một cách khiêm nhường.

Khi chúng ta chịu đầu phục và chọn Chúa là nguồn thỏa nguyện duy nhất của chúng ta, Ngài ban cho chúng ta sức mạnh và ước muốn vâng phục Ngài. Điều này giống như Ngài cần thiết cho ta giống như không khí ta hít thở. Hít vào sự hiện diện của Chúa Giê-xu. Thở ra sự hiện diện của Chúa Giê-xu. Lặp lại. Mỗi ngày. Cho đến ngày chúng ta qua đời. Điều này cho chúng ta lòng can đảm để tin cậy rằng khi Ngài truyền mệnh lệnh rằng chúng ta hãy đối xử với kẻ thù nghịch bằng tình yêu thương, chính Ngài sẽ giúp chúng ta làm được điều này.

Mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giê-xu là mối quan hệ gần gũi nhất mà chúng ta có thể cảm nghiệm, vì Thánh Linh Ngài đang ở trong chúng ta. Mối quan hệ này sẽ thay đổi cuộc đời của bạn khi bạn tin cậy và vâng lời Chúa trong yêu thương. Khi bạn lầm lỗi, Ngài sẽ giúp bạn tôn kính Đức Chúa Trời.

Bạn có thể đang băn khoăn không biết liệu cuộc sống kiểu như vậy có khiến bạn không thể tận hưởng một cuộc đời như thường tình hay không. Chúng tôi rất vui được thông báo cho bạn điều này: yêu Chúa và vâng lời Chúa giúp chúng ta tận hưởng một cuộc đời bình an và vui mừng Chúa ban.

Mặc dù chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn tự do ra khỏi các ước muốn xấu xa trong đời này, và chúng ta vẫn sẽ phạm lỗi, tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Giê-xu sẽ khiến cho ước muốn xấu xa như bị bỏ đói, nên chúng mất đi sức mạnh vốn mạnh. Chúa làm điều này để chúng ta được tự do mà vui hưởng chính Ngài, vui hưởng thế giới, và mối quan hệ trong sạch Ngài đã ban cho chúng ta.

Lời hứa mà hầu như chúng ta cảm thấy khó tin đó là Chúa sẽ thay đổi ước muốn trong lòng chúng ta. Ngài thực sự làm điều này. Thật đấy. Nếu không phải vậy thì tin lành đâu còn là tin tốt lành.

Tại sao không có nhiều Cơ Đốc Nhân sống cuộc đời tốt lành?

Mỗi Cơ Đốc Nhân có thể sống tự do khỏi điều ác, nhưng có lúc chúng ta lại khước từ quyền lợi này. Đôi khi chúng ta chọn làm điều ác, hơn là chọn Chúa Giê-xu, ngay cả sau khi đã trở thành Cơ Đốc Nhân.

Một số người không thể hưởng được sự tự do ra khỏi điều ác vì họ không tin rằng họ có thể được tự do, hoặc không tin là Chúa ban cho họ điều này. Một số người khác không chịu sống tự do ra khỏi điều ác vì như thế họ phải trả giá. Điều này đòi hỏi sự đầu phục hoàn toàn và liên tục trước Chúa.

Điều này có nghĩa là gì?

Sau khi chúng ta đầu phục Chúa, chúng ta được yêu cầu phải tiếp tục đầu phục. Việc này cần xảy ra liên tục vì chúng ta có xu hướng trở lại với sự vị kỷ. Kinh Thánh gọi khuynh hướng này là bản chất tội lỗi. Chúng ta đã có bản chất này từ ngày chào đời, và kéo dài cho tới ngày qua đời.[38]

Khi bạn tin vào Chúa và cậy trông Ngài, xoay bỏ điều ác, cầu nguyện, thờ phượng, đọc Kinh Thánh, và dấn thân vào cộng đồng của các Cơ Đốc Nhân, Thánh Linh của Đấng Christ bên trong chúng ta bắt đầu thay đổi bản chất chúng ta, và dần dần ban cho chúng ta sự tự do khỏi bản chất tội lỗi.

Sự tăng trưởng đòi hỏi thời gian. Đừng từ bỏ hy vọng trong quá trình này. Và đừng sử dụng sự chậm tăng trưởng như là cái cớ để không chịu tăng trưởng.

Tôn kính Chúa mang đến niềm vui lâu dài và sự bình an mà không có điều gì trong thế gian có thể cho bạn. Chúng ta từ bỏ điều ác không chỉ vì điều ác là xấu xa; chúng ta từ bỏ điều ác để được Chúa làm cho thỏa nguyện.

Chúa kêu gọi chúng ta cùng làm việc với Ngài, vì cớ vinh hiển Ngài. Sau khi đã đầu phục Chúa, Ngài kêu gọi chúng ta chia sẻ tình bạn hữu tuyệt đẹp với người khác, còn gọi là sự truyền giáo, và dạy lại người ta cách kinh nghiệm điều đó, gọi là môn đồ hóa.

Điều chúng ta nhận được tốt lành đến nỗi khi chúng ta đã kinh nghiệm được rồi, chúng ta không thể nào không chia sẻ về Chúa cho người khác được biết. Khi chúng ta đã nếm biết và thấy Chúa là tốt lành, một cách rất tự nhiên chúng ta sẽ muốn kể cho người khác nghe để họ cũng có cảm nhận tự do và vui mừng mà chúng ta đã nhận được.

Đây là tin tức tốt lành (tin tốt lành nhất!): Chúa hứa là Ngài sẽ yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Ngài ban chúng ta sự sống chẳng hề chấm dứt, giúp chúng ta tự do ra khỏi điều ác, và tận hưởng tình bạn thân thiết với Ngài, với điều kiện chúng ta yêu thương Ngài, tin cậy và vâng lời Ngài. Nếu chúng ta trung tín cho đến cuối cuộc đời, Chúa hứa ban cho chúng ta một thân thể hoàn toàn tự do khỏi sự rủa sả do ước muốn xấu xa gây ra, cũng như sự chết, sự đổ vỡ, và được sống với Ngài mãi mãi.

Tin không vui là những người chối bỏ món quà của Đức Chúa Trời sẽ phải chịu hình phạt không bao giờ chấm dứt và bị phân cách mãi mãi khỏi Đức Chúa Trời, hậu quả của việc làm điều ác.

Tin tốt lành của Chúa và tin không vui về những việc sẽ xảy ra khi chúng ta chối bỏ Ngài đã khiến Phúc Âm trở thành lẽ thật quan trọng nhất trong đời sống.

Chúng ta hiện hữu để tôn vinh Chúa và để vui hưởng sự hiện diện của Ngài mãi mãi. Chúng ta thường sẽ phải chọn lựa, hoặc sống và làm hài lòng bản thân, hoặc sống làm vui lòng Đức Chúa Trời. Lẽ thật ở đây là nếu chúng ta lao vào ước muốn xấu xa, chúng ta không thể vui mừng quá lâu. Đắm chìm trong điều ác dẫn đến sự tuyệt vọng, bị hủy hoại ý thức về giá trị bản thân, và nghiện ngập những hành vi gian ác, tàn hại. Điều ác cai trị chúng ta, làm chúng ta mất sự vui mừng, khiến chúng ta cảm thấy trống rỗng và cô đơn. Điều ác khiến chúng ta trở thành nô lệ.

Khi chúng ta xem bản thân là đầy tớ sẵn lòng để phục tùng điều lành của Chúa, thay vì làm nô lệ cho điều gian ác, sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta cũng như các ân tứ lớn lao Ngài đã hứa ban cho chúng ta trong Phúc Âm sẽ ban cho chúng ta sự vui mừng và tự do mà không gì có thể cướp đi được.

Điều này cần sự đầu phục hoàn toàn. Chúng ta dâng trình mọi sự bất tuân, nhận lại trọn vẹn sự tha thứ, sự sống và sự nhân từ đầy yêu thương của Ngài.

Cách dễ nhất để nhớ điều này là qua Bài Ca Cứu Rỗi:

Giê-xu đã chết trên cây thập giá
Chúa sống lại rồi, để cứu loài người
Ngài tha thứ hết bao ô tội con
Tiếp con vào nhà Chúa, Vua, Bạn Hiền
Biến hoá, đổi thay con nên mới
Giúp con từng ngày sống luôn vì Ngài

Đào Sâu

Hãy đọc Giăng 17, đoạn Kinh Thánh viết lại lời cầu nguyện mà Chúa Giê-xu đã cầu nguyện cho bạn và tôi trước lúc Ngài chịu chết. Hãy viết xuống mọi chi tiết mà bạn thấy thú vị về điều Chúa Giê-xu đã phán, sau đó đọc và thảo luận các câu hỏi với các Cơ Đốc Nhân khác. Bạn nghĩ gì về việc Chúa Giê-xu cầu nguyện cho bạn một cách cá nhân?