Bài 9
Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa.
Chúa Giê-xu giải thích một cách đơn giản cho chúng ta hiểu về sự cầu nguyện bằng Bài Cầu Nguyện Chung hay còn gọi là “Bài Cầu Nguyện Của Chúa” trong Ma-thi-ơ 6:9-13. Lời cầu nguyện này là lời đáp cho một trong những người bạn của Ngài, người đã xin Ngài dạy họ cách cầu nguyện.
Có nhiều loại cầu nguyện, cũng giống như có nhiều cách trò chuyện với bạn bè. Chúng ta có thể cầu nguyện cho người khác. Chúng ta có thể cầu nguyện cho bản thân. Chúng ta có thể xin Chúa bảo vệ, chữa lành, ban sức mạnh, và khôn ngoan. Chúng ta có thể cảm ơn Chúa về sự tốt lành, sự nhân từ và tha thứ của Ngài. Chúng ta có thể nói với Ngài về điều chúng ta yêu mến. Chúng ta có thể cảm ơn Ngài về điều Ngài đã ban cho chúng ta. Hoặc kể cho Ngài nghe những ưu tư, sợ hãi, nỗi ngờ vực và thắc mắc của chúng ta.
Tất cả các cách cầu nguyện đều tốt!
Chúa quan tâm đến việc bạn cầu nguyện một cách chân thành. Ngài biết suy nghĩ của bạn. Hãy cầu nguyện bằng cả tấm lòng. Hãy đến với Ngài bằng tấm lòng khiêm nhường, biết ơn và dạn dĩ.
Hãy cầu nguyện bằng cách giơ hai tay lên trời, đặt tay gọn phía trước hay khoanh tay trước ngực đều được. Hãy cầu nguyện mở mắt hay nhắm mắt đều được. Đứng, đi lại, ngồi, quỳ, nằm xuống mà cầu nguyện đều được. Cầu nguyện buổi sáng, tối, trưa, hay cả ngày đều được.
Đừng cố cầu nguyện sao cho nghe hay ho. Chúa không bị ấn tượng trước lời lẽ sáo rỗng. Ngài biết rõ chính bạn. Cứ chân thành là được. Hãy là chính mình và hãy nói chuyện với Chúa một cách tôn trọng. Hãy tin cậy rằng Ngài muốn nghe bạn cầu nguyện, và rằng Ngài thực sự muốn ở với bạn.
Hãy cầu nguyện một mình và cầu nguyện với người khác. Hãy cầu nguyện với nhau, đây là điều quan trọng! Việc này giúp chúng ta gắn bó với nhau, và Chúa vui lòng về điều này.
Đừng nhút nhát khi thấy có nhiều người dạn dĩ cầu nguyện lớn tiếng hơn bạn. Cầu nguyện không phải là thể hiện bản thân. Đó là việc chúng ta ngày càng đến gần với Chúa khi chúng ta bày tỏ tấm lòng với Ngài. Nếu có người đánh giá, khiến bạn cảm thấy cách bạn cầu nguyện là kỳ cục, thái độ của họ cho thấy họ là người thế nào, chứ không nói lên bạn là người ra sao. Sự kiêu căng, hợm hĩnh là điều gian ác.
Mỗi Cơ Đốc Nhân nên phát triển thói quen cầu nguyện siêng năng. Điều này có nghĩa là cần có lịch cầu nguyện mỗi ngày. Nếu bạn không làm vậy, cầu nguyện sẽ biến mất khỏi đời sống bạn. Nếu bạn không lên lịch cầu nguyện, hãy xem xét việc bắt đầu với khoảng 15 phút cầu nguyện. Hãy bố trí lịch cầu nguyện lúc sáng sớm trước khi bắt đầu ngày mới, đây là điều nên làm. Như vậy sẽ ích lợi hơn là khi bạn bố trí lịch cầu nguyện vào ban đêm khi bạn đã mệt mỏi, bận rộn, và bị phân tâm. Sự cầu nguyện sẽ thay đổi hành trình trong ngày của bạn theo cách tốt lành.
Hãy chia giờ cầu nguyện của bạn ra thành vài phần. Có thể bạn sẽ thấy điều này hữu ích, đó là viết ra kế hoạch cầu nguyện để bạn có danh sách mà nhìn vào nếu bạn khó mà nghĩ ra được nên cầu thay cho điều gì.
Đây là một cấu trúc được đề xuất: trước hết, xưng ra mọi lầm lỗi bạn đã phạm phải, và xin Chúa tha thứ. Sau đó dành vài phút cảm ơn Chúa về sự tốt lành, sự tha thứ, sự nhân từ và yêu thương của Ngài. Hãy dành thêm một vài phút cảm tạ sự thành tín và quyền năng Ngài. Hãy cầu nguyện cho gia đình bạn và bạn bè của bạn. Hãy yên lặng trong chốc lát, chờ Chúa phán với bạn. Sau đó dành thời gian còn lại cầu nguyện xin Chúa làm vững mạnh bạn cho ngày mới.
Bạn cũng có thể dùng Kinh Thánh làm cẩm nang hướng dẫn để bạn cầu nguyện theo. Ví dụ, đọc Kinh Thánh, sau đó nói chuyện với Chúa về điều bạn mới đọc, và xin Chúa giúp bạn hiểu rõ điều bạn cảm thấy khó hiểu.
Thói quen tốt muốn thành hình cũng phải mất thời gian. Hãy kiên nhẫn với quá trình này. Hãy kiên nhẫn với bản thân. Đừng lười biếng.
Khi đã siêng năng dành mười lăm phút cầu nguyện mỗi ngày, nhiều người cảm thấy họ muốn kéo dài thời gian cầu nguyện thêm ra. Thật tuyệt vời! Chúng tôi nhận thấy việc chia thời gian thành nhiều mục với các tiêu điểm tập trung khác nhau là điều hữu ích. Nó giúp chúng ta không bị ngán hay bị nản.
Cầu nguyện là một hành động có tính tự giác. Cũng giống như tình yêu thương, cầu nguyện phải tự giác thì mới chân thực.
Bạn có thể ngạc nhiên, nếu bạn cam kết cầu nguyện, việc cầu nguyện cả giờ đồng hồ không chỉ là khả thi đâu mà còn rất là thích thú! Đó là vì chúng ta cần cầu nguyện. Chúng ta khao khát mối quan hệ gần gũi với Chúa hơn bất kỳ thứ gì khác. Và chính mối quan hệ gần gũi đó sẽ biến đổi chúng ta.
Chúa khao khát thấy chúng ta cầu nguyện. Ngài muốn chúng ta nói chuyện với Ngài. Nói chuyện với Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ được thỏa mãn một cách lạ lùng, và không gì khác có thể mang đến sự thỏa mãn này. Khi chúng ta bỏ bê cầu nguyện, chúng ta bỏ bê bản thân và cũng bỏ bê người mà chúng ta yêu thương. Hãy dành thời gian với Chúa, hãy để Ngài làm vững mạnh và khích lệ chúng ta mỗi ngày!
Ngài yêu thích việc làm thỏa nguyện và khiến chúng ta vui thích qua sự hiện diện của Ngài. Ngài muốn ở với bạn, để bạn nhận biết và vui hưởng sự hiện diện Ngài.
Hãy lên lịch cầu nguyện với Chúa trong ngày, nếu không sự bận rộn trong ngày của bạn sẽ đẩy Ngài ra xa bạn. Nếu bạn bỏ bê việc cầu nguyện, bạn sẽ dễ bị nản lòng, cảm thấy cô đơn và rồi rơi vào điều ác. Nhưng nếu bạn trung tín cầu nguyện siêng năng, Chúa sẽ ban thưởng cho bạn thật nhiều, một sự ban thưởng sâu sắc hơn là bạn có thể hình dung ra.
Bạn có biết Chúa cũng cầu nguyện cho bạn?
Đào Sâu
Hãy cầu nguyện theo các cách sau, một mục năm phút: ngợi khen; xưng tội; đọc Thi Thiên; cảm tạ; thờ phượng Chúa; chờ Chúa phán với bạn; dâng trình điều bạn cầu xin với Chúa; cầu nguyện cho người khác; cầu nguyện qua Thi Thiên 23, hoặc một thi thiên khác về chủ đề cầu nguyện; suy ngẫm xem Chúa là ai; xin Ngài làm vững mạnh bạn để bạn trở nên giống Ngài; kết thúc bằng lời ngợi khen.